Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

GIỮ ĐỨC TIN VÀ LƯƠNG TÂM TỐT

 GIỮ ĐỨC TIN VÀ LƯƠNG TÂM TỐT

Thánh Cêcilia là một trong những trinh nữ tử đạo thuộc dòng dõi quí tộc và là một thiếu nữ rất đạo đức. Ngài quyết giữ mình đồng trinh để tận hiến cho Chúa. Nhưng để đạt được ý nguyện đó, ngài đã phải chiến đấu cam go, đồng thời với sự can thiệp của Thiên Chúa mới bảo toàn được trinh khiết.
Số là Valêrianô, một thanh niên tuấn tú con nhà quý phái, đã đính hôn với Cêcilia và định ngày làm lễ thành hôn. Phần trinh nữ Cêcilia, vì sợ phật ý cha mẹ và vị hôn phu, nàng chưa thể tỏ ra cho các vị biết rằng: mình chỉ yêu mến một mình Chúa Giêsu. Đến ngày hôn lễ, trong tiếng đàn phong cầm êm ái, Cêcilia chỉ biết cầu nguyện với Thiên Chúa: “Xin cho hồn xác con được sự trinh khiết để con khỏi bẽ bàng” (Thánh vịnh 118).
Trinh nữ ăn chay ba ngày liền và nguyện cầu xin Chúa các thiên thần, các thánh tông đồ và toàn thể các thánh, xin các ngài gìn giữ, bảo hộ đức trinh khiết của mình.
Đêm đến, khi chỉ có mình với Valêrianô ở trong phòng, nàng ngỏ ý muốn nói với chàng một điều bí mật, nhưng yêu cầu chàng phải thực hiện điều chàng có nhiệm vụ phải thi hành. Valêrianô trả lời rằng chàng không cần biết điều bí mật đó. Cêcilia liền nói: “Có một vị thiên thần của Thiên Chúa yêu mến em, chính người đã bảo vệ em rất cẩn thận nếu người thấy anh đến gặp em với tình yêu nhơ bẩn, tức khắc người sẽ giận dữ đuổi anh đi và anh sẽ mất hết vẻ đẹp của tuổi thanh xuân. Trái lại, nếu thiên thần thấy anh yêu em bằng mối tình chân thành trong trắng và gìn giữ em nguyên vẹn, người sẽ yêu mến anh như em”.
Valêrianô nói: “Nếu em muốn anh tin lời em nói, em hãy cho anh xem mặt thiên thần của em; nếu anh thấy có bằng chứng đáng tin đó là thiên thần của Chúa, anh sẽ thi hành điều em yêu cầu. Nhưng nếu em yêu một người khác, anh sẽ chém luôn cả em và người ấy”. Cêcilia hứa cho Valêrianô xem thấy thiên thần, sau khi chàng chịu phép rửa tội. Valêrianô bằng lòng theo đạo và hỏi xem chịu phép rửa tội với ai, Cêcilia trả lời: “Anh hãy đi đến đường Appoa, tới dặm thứ ba, thấy những người nghèo khó ngồi ăn xin bên đường, anh bảo họ rằng: em nhờ họ dẫn anh đến gặp Đức Ubanô, Ngài sẽ rửa tội cho anh, mặc cho anh áo trắng tinh và anh sẽ mặc áo trở lại phòng em, rồi anh sẽ xem thấy thiên thần”.
Valêrianô nghe lời, tìm đến Đức Ubanô là người đã công khai xưng đức tin hai lần và hiện đang lẩn tránh nơi nghĩa trang. Valêrianô gặp ngài, trình bày mọi việc Cêcilia đã làm. Đức Ubanô cảm động và vui mừng, ngài quỳ xuống tạ ơn Chúa: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã gieo những ước vọng trong sạch, xin hãy nhận lấy hoa quả do hạt giống Chúa đã gieo trong tâm hồn Cêcilia. Lạy Chúa, Đấng chăn chiên nhân lành, Cêcilia tôi tá Chúa đã trung thành và kiên nhẫn phụng sự Chúa, nàng đã làm cho Valêrianô hung hăng như sư tử trở nên chiên hiền lành”.
Đức Ubanô đang cầu nguyện cho Valêrianô thì bỗng một ông lão đến, mặc áo trắng như tuyết, tay cầm một bảng chữ vàng. Valêrianô sợ hãi ngã xuống đất. Ông lão nâng chàng dậy và truyền đọc bảng chữ sau đây trên tay ông: “Một Thiên Chúa độc nhất, một đức tin, một phép rửa tội, Thiên Chúa độc nhất là Cha của mọi loài. Người ở trên trời và ở trong chúng ta tất cả” (cf. Ep 3, 59). Sau đó ông lão hỏi xem Valêrianô có tin những điều đó không. Valêrianô trả lời quả quyết: “Thật trên đời này không có gì chân thật hơn!”. Ông lão biến mất, Đức Ubanô làm phép rửa tội rồi bảo Valêrianô trở lại với Cêcilia.
Valêrianô trở về thấy Cêcilia đang cầu nguyện trong phòng, bên cạnh có hai thiên thần cầm hai triều thiên, một kết bằng hoa hồng, triều thiên kia bằng hoa huệ. Thiên thần đưa cho Cêcilia một, còn một đưa cho Valêrianô và bảo hai người rằng: Chỉ có ai biết quí trọng đức khiết trinh mới được trông thấy hai triều thiên ấy. Thiên thần hỏi Valêrianô có ước muốn điều gì không. Valêrianô xin cho Tiburciô anh mình trở lại đạo, và thiên thần hứa Tiburciô sẽ được ơn ấy.
Mấy ngày sau, Tiburciô đến chào chị dâu, người ngửi thấy hương hoa huệ và hoa hồng rất kỳ lạ. Valêrianô bảo em đó là do hai triều thiên Chúa ban cho. Nếu Tiburciô muốn xem thấy triều thiên ấy, phải chịu phép rửa tội đã. Trong khi Tiburciô còn đang ngơ ngẩn không hiểu gì thì Cêcilia đỡ lời, giải thích cho em biết các tượng thần ngoại giáo là những vật vô tri giác vì không có quyền phép gì. Tiburciô nghe Cêcilia giảng giải, lĩnh hội được chân lý và tán thành: “Quả thật, chỉ có con vật mới không tin những điều chị vừa nói”.
Cêcilia bảo Tiburciô theo Valêrianô đi chịu phép rửa tội. Nhưng khi nghe Cêcilia nói phải gặp Đức Ubanô, Tiburciô hoảng sợ hỏi: “Có phải là người mà tín đồ công giáo gọi là Đức Giáo Hoàng không? Tôi nghe rằng người đã bị kết án hai lần và nay đang trốn tránh. Nếu người ta bắt được ngài, họ sẽ thiêu sống ngài và cả chúng ta nữa. Chúng ta đi tìm Thiên Chúa trên trời để bị lửa thiêu đốt ở dưới đất ư ?”.
Cêcilia trả lời: “Phải, nếu chỉ có một sự sống đời này, chúng ta có lý do để sợ mất nó, nhưng còn có một sự sống cao quí hơn, chúng ta sẽ chiếm được khi chúng ta để mất sự sống đời này”.
- “Thế ra còn có một sự sống khác nữa sao? Tôi chưa hề được nghe ai nói tới”.
Cêcilia trình bày giá trị của sự sống đời sau và cũng nêu ra những điều bất hạnh của cuộc đời trần gian. Rồi để trả lời các thắc mắc đó của Tiburciô, Cêcilia giải nghĩa mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai Làm Người, cuộc đời Chúa Giêsu và mầu nhiệm Phục sinh của Người. Kết luận, Cêcilia đối chiếu hạnh phúc thiên đàng của người kitô giáo với hình phạt của người tội lỗi phải chịu. Tiburciô tin theo và được dẫn tới gặp Đức Ubanô, Tiburciô chịu phép rửa tội rồi ở lại bảy ngày để học thêm giáo lý. Từ đó Tiburciô được xem thấy thiên thần của Thiên Chúa mỗi ngày và được mọi ơn như sở nguyện.
Từ đó Valêrianô và Tiburciô từ khước mọi lạc thú trần gian để chỉ chuyên lo phụng sự Thiên Chúa và anh em đồng loại. Khi các kitô hữu chết vì đạo, bị cấm không được chôn cất, Tiburciô và Valêrianô liền lo việc lấy trộm xác đem chôn cất. Ít lâu sau, công việc tới tai chính quyền, hai người bị bắt phải tế thần, họ từ chối nên bị phạt đánh đòn và bị xử tử, nếu họ từ chối tế thần. Maximô thấy hai người còn trẻ tuổi nên rất thương tiếc, nhưng cũng rất ngạc nhiên khi thấy hai người lại vui vẻ đi chịu chết vì đạo. Vì thế, khi nghe hai người giải thích về đạo, quan Maximô đã yêu cầu họ dạy giáo lý cho ông. Anh em Valêrianô và Tiburciô bảo đao phủ dẫn hai người về nhà ông. Tại đây, hai người giảng dạy giáo lý rất rành mạch và sốt sắng, đến nỗi những người có mặt đều xin theo đạo. Đêm hôm sau, Cêcilia mời linh mục đến rửa tội cho cả gia đình Maximô và những người đao phủ.
Hai anh em Valêrianô và Tiburciô bị điệu đi tế thần Jupiter, không chịu dâng hương tế thần nên bị chém đầu. Trong khi đó Maximô cùng nhiều người khác được ơn lạ nhìn thấy thiên thần đến đón linh hồn các thánh tử đạo, nên họ tin và theo đạo. Quan trên là Anmakiô nghe tin Maximô đã theo đạo, liền truyền đánh đòn Maximô đến chết. Thánh nữ Cêcilia đem xác Maximô an táng gần mồ Valêrianô và Tiburciô.
Sau đó đến lượt thánh Cêcilia bị bắt và bị án tử hình.
Thánh nữ bị bắt vì là vợ của Valêrianô, bị ép buộc dâng hương tế thần, thánh nữ trả lời rằng mình muốn chết vì đạo. Nhiều người hâm mộ sắc đẹp của thánh nữ tỏ lòng tiếc xót. Cêcilia lợi dụng cơ hội thuận tiện ấy giảng giải cho họ biết Thiên Chúa sẽ thưởng gấp trăm cho tôi tá Chúa. Giảng giải xong, thánh nữ đứng trên bệ đá cao hỏi họ: “Các ông bà có tin điều tôi nói không?”. Tất cả đồng thánh đáp: “Chúng tôi tin Chúa Giêsu Con Thiên Chúa là Thiên Chúa chân thật. Chỉ Người mới có một tôi tá xứng đáng như cô”. Đức Giáo Hoàng Ubanô đến rửa tội cho họ chừng 400 người, họ đủ mọi giới.
Mấy hôm sau quan Anmakiô truyền đem Cêcilia đến, ông hỏi: Tên cô là gì?
- Tên tôi là Cêcilia.
- Cô theo đạo nào?
- Ngài hỏi lạ quá, ngài hỏi một câu mà tôi phải thưa hai câu?
- Sao cô trả lời thế, ai dạy cô?
- Thưa đức tin và lương tâm.
- À, cô không biết oai quyền của ta sao?
- Chính ngài không biết oai quyền của ngài, nếu ngài hỏi tôi, tôi sẽ bảo cho biết.
- Cô biết gì hãy nói nghe thử?
- Tất cả oai quyền của con người giống như một quả bóng, chỉ cần một mũi kim cũng đủ cho nó mềm xẹp xuống.
- Kìa, cô thoá mạ tôi đấy à?
- Thưa ngài chỉ nói láo mới là thoá mạ. Vậy xin ngài cho tôi biết tôi đã nói láo ở chỗ nào?
Anmakiô bắt thánh nữ bỏ đạo hoặc tế thần.
Thánh nữ chê bai tượng thần, nhấn mạnh đến vật vô dụng của các thần, khuyên người ta đem các tượng đó nung vôi cho có ích lợi hơn. Anmakiô tức giận, truyền đưa Cêcilia đi xử tử. Lý hình lấy gươm chém thánh nữ một nhát vào cổ rồi để ngài chết dần.
Những người tân tòng lấy áo thấm máu của thánh nữ. Trong khi đó thánh nữ cố gắng khuyên họ bền vững với đức tin. Ngài chia của cải cho họ và giao phó họ cho Đức Ubanô. Thánh nữ cũng xin dâng nhà mình cho Đức Ubanô để ngài dùng làm nhà thờ.
Đức Ubanô và các phó tế đợi đến đêm đem xác thánh nữ về chôn giữa các đấng Giám mục tử đạo, và tái thiết nhà thánh nữ thành nhà thờ như lời ngài xin.
Đức tin và lương tâm
Lời Chúa dạy chúng ta:“phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, hầu cho họ là kẻ vẫn gièm chê anh em như người gian ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ ngợi khen Ðức Chúa Trời” (1 Pr 2,12).
Chỉ cần qua cách ăn ở của mình mà chúng ta có thể cảm hóa được nhiều người khác, thậm chí vợ cảm hóa được cả chồng mình!
Người lành là người có lòng lành
Cây sinh trái xấu không phải là cây tốt, cây sanh trái tốt không phải là cây xấu; vì hễ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả nơi bụi gai, hay là trái nho nơi chòm kinh cước. Người lành bởi lòng chứa điều thiện mà phát ra điều thiện, kẻ dữ bởi lòng chứa điều ác mà phát ra điều ác; vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng nói ra (Lc 6,43-45).
Trong câu này Chúa dạy chúng ta rằng người lành phải là người có lòng chứa điều thiện. Và Chúa nhấn mạnh hãy để ý đến cái miệng con người – nó lộ ra hết những gì đầy dẫy trong lòng họ.
Lòng chứa điều thiện, tức là lòng sống có lương tâm, theo lẽ phải, muốn làm điều lành. Đó là thái độ sống của các sứ đồ trong Kinh thánh – “Hãy cầu nguyện cho chúng tôi, vì chúng tôi biết mình chắc có lương tâm tốt, muốn ăn ở trọn lành trong mọi sự”. (Hê-bơ-rơ 13:18)
Lương tâm là tiếng nói của tâm linh, nhắc nhở và chỉ bảo chúng ta sống theo đường lối Chúa. Lương tâm loài người được Chúa ghi vào đó những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản chung. Nhờ lương tâm chúng ta biết phân biệt phải trái, và cũng chính lương tâm nhắc nhở đôi lúc cáo trách chúng ta khi muốn làm điều dữ mà không làm điều lành.
Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình. Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Ðức Chúa Trời bởi Ðức Chúa Jêsus Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin Lành tôi. (Rô-ma 2:15-16)
Lương tâm của con người sau quãng đời dài quen làm điều sai trái, quen tự bào chữa, thì trở nên chai lì với tội lỗi, không còn khả năng làm gương sáng cho chúng ta soi mà nhận biết mình nữa. Cho nên khi anh chị em tin nhận Chúa, Ngài đổi mới không chỉ tâm linh chúng ta, mà Ngài còn rửa sạch lương tâm chúng ta nữa.
Bí tích Rửa tội mà chúng ta đã nhận, là một phần của đại mệnh lệnh của Chúa, không phải là dành cho những người thanh sạch, vì như thế sẽ chẳng có ai đủ điều kiện. Nhưng Bí tích Rửa tội đem lại cho con người một kết nối lương tâm với Chúa. Chính điều đó sẽ ban cho chúng ta một sức mạnh nội tâm để chiến thắng những cám dỗ của tội lỗi sau này.
Khi hiểu ra điều này, chúng ta sẽ trả lời được câu hỏi - tại sao nhiều con cái Chúa vẫn làm điều xấu? Không phải chỉ là những điều vấp váp lầm lỡ, mà cư xử xấu một cách có hệ thống, thậm chí có những điều một số người tin Chúa đang làm mà đến cả người ngoại cũng không làm vì biết là xấu xa. Dù có là tín hữu, thậm chí đi lễ, chịu lễ thường xuyên, những người đó vẫn bị coi là người xấu tính.
Điều này có phải là nghịch lý không? Vì chúng ta đã tin Chúa, đã trở thành con người mới rồi cơ mà?
Tại sao có người vẫn còn sống rất ích kỷ?
Tại sao trong cách ăn nói - có người vẫn thích ép cong thành thẳng, nói đen thành trắng? Có người hay nói xấu người khác? Có người vẫn còn thô lỗ, nói tục, chửi bậy, tệ nạn…?
Tại sao trong quan hệ - có người vẫn còn bồ bịch dù có gia đình ở Việt nam, nhưng lại lớn tiếng nói rằng đấy là người mới Chúa ban cho?
Tại sao trong công việc - vẫn có người làm công lười nhác, trốn việc, làm hỏng thì che giấu. Hoặc có những người chủ thì tìm mọi cách không trả lương cho nhân viên sau nhiều tháng làm việc?
Tại sao trong buôn bán – vẫn có người không trung thực, vẫn có người lừa gạt và tham lam?
Thậm chí trong một số Hội thánh còn non trẻ - nhóm lãnh đạo bị chia rẽ, người hầu việc Chúa còn có cách sống không làm gương tốt, có người tồi tệ đến mức lợi dụng danh Chúa để kiếm tư lợi...
Những người không làm điều lành như thế thì có được phước không? Chắc chắn là Chúa không thể đẹp lòng với những điều đó.
Chúng ta hiểu là những con người đó vẫn quen lối sống cũ, họ còn chưa biết đổi mới được hết đời sống mình để học cách sống làm lành.
Người đời này đã quen sống vậy thì nói là không thể thay đổi được, làm lành sẽ bị thiệt, nhưng với Chúa mọi sự là có thể.
Nếu người đời thường nói – “để đạt được mục đích thì mọi phương tiện đều là tốt” – và họ dùng mọi mưu mô thủ đoạn để mà đạp lên người khác và đạt mục đích cá nhân. Nhưng Chúa có đường lối công bình cho mỗi con người, để ai cũng đều vào được đồng cỏ xanh tươi và mé nước bình tịnh của Ngài (Tv 23).
Một khi chúng ta biết Chúa, thì việc sống làm lành trước kia đối với sức người là không thể, thì bây giờ với Chúa giúp đã trở thành có thể được. Nhưng, đòi hỏi mỗi chúng ta phải có một sức mạnh của một lương tâm quyết chí làm điều lành, không nghe theo điều ác.
Cho nên, câu trả lời cho những câu hỏi tại sao người tin Chúa còn làm điều xấu, đấy là vì lương tâm họ còn yếu đuối!
Lương tâm yếu đuối sẽ không biết phân biệt phải trái, sẽ bị các tư tưởng xác thịt ích kỷ thao túng, sẽ dễ đoán xét hành động của người khác - suy diễn điều lành ra điều dữ, còn điều dữ lại cho là điều lành. Và khi con người quen suy bụng ta ra bụng người, thì họ cũng suy bụng ta ra bụng Trời mà rồi nghi ngờ Chúa, lằm bằm oán trách Chúa, và làm nhiều điều dữ mà không biết kính sợ Chúa.
Trong khi đó, chúng ta biết rằng tình yêu thương chân thật không nghi ngờ sự dữ (không nghi ngờ người khác), chẳng vui vì điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Đấy là bản chất của tình yêu thương thật, của một lương tâm trong sạch.
Người có lương tâm yếu đuối hay xét đoán người khác.
Trong 1 Cô-rin-tô đoạn 8,7-13 và đoạn 10,23-33 Tông đồ Phao-lô có nói cho chúng ta biết phải cẩn thận với những người có lương tâm yếu đuối, qua thí dụ liên quan về của cúng thần tượng. Một điều đơn giản mà chúng ta làm với lương tâm trong sạch, có thể bị đem ra thành cớ để xét đoán.
Vì chúng ta vừa phải tập cho lương tâm mình mạnh lên, cũng vừa phải giữ cho lương tâm người khác.
Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt (1 Cr 10,23)
Người lương tâm yếu đuối không phân biệt được điều lành điều dữ, không biết tự xét mình.
Một khi đã xét đoán người khác quen, con người tự lập mình làm quan tòa, thì sẽ không còn biết tự xét lấy mình nữa. Chính vì thế mà họ làm điều sai trái mà không để chỗ cho lương tâm mình cáo trách.
Khi lương tâm của một người tin Chúa vẫn còn yếu thì ý tưởng và tham muốn sẽ điều khiển con người, lúc đó nếu tư tưởng con người đó không có Lời Chúa thì thật nguy hiểm. Những ý tưởng tư lợi xác thịt sẽ khiến con người có những hành động trái lương tâm.
Chỉ vì họ quá muốn được theo ý mình.
Và khi nghe lời góp ý trái ngược lại ý họ muốn thì tự ái.
Quan trọng thay là việc con cái Chúa biết sống theo lương tâm mình.
Nhiều con cái Chúa mới được tháp vào thân thể Chúa, vào gốc nho thật để nhận nhựa sống thiên thượng tuôn chảy trong đời sống mình. Nhưng cũng giống như gốc cây phải chịu đựng cây hoang tháp vào, họ còn làm nhiều điều sai trái khiến Chúa phải chịu đựng.
Cho nên Lời Chúa răn bảo chúng ta để sự dạy dỗ răn bảo trong Hội thánh luôn theo đuổi những mục đích quan trọng nhất – đó là đức tin đi đôi với lương tâm tốt.
 Mục đích của sự răn bảo, ấy là sự yêu thương, bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt và đức tin thật mà sanh ra. Có vài kẻ xây bỏ mục đích đó, đi tìm những lời vô ích; họ muốn làm thầy dạy luật, mà không hiểu điều mình nói hoặc điều mình tự quyết. (1 Tt 1,5-7)
Hãy lưu ý là không chỉ đức tin, mà phải cả lòng tinh sạch với lương tâm tốt lành. Lòng tinh sạch giúp chúng ta có động cơ đúng đắn, và lương tâm tốt giúp chúng ta biết phân biệt phải trái, lánh điều dữ mà chọn điều lành.
Đặc biệt dành cho những người hầu việc Chúa, chúng ta phải ghi nhớ rằng các tiêu chuẩn về người lãnh đạo – giám mục và chấp sự mà Phao-lô nói đến trong thư 1 Ti-mô-thê cũng rất nghiêm về các đòi hỏi về phẩm chất đạo đức, và những phẩm chất này chỉ có thể có được nếu sống có lương tâm. Hội thánh muốn vững chắc phải theo những tiêu chuẩn này mà chọn lựa người lãnh đạo.
Nếu không có lương tâm tốt, đức tin sẽ chìm đắm
Hỡi Ti-mô-thê, con ta, sự răn bảo mà ta truyền cho con, theo các lời tiên tri đã chỉ về con, tức là, phải nhờ những lời đó mà đánh trận tốt lành, cầm giữ đức tin và lương tâm tốt. Mấy kẻ đã chối bỏ lương tâm đó, thì đức tin họ bị chìm đắm. (1 Tm 1,18-19)
Câu Kinh thánh này là lời Phao-lô răn bảo Ti-mô-thê cho chúng ta thấy tầm quan trọng sống còn của việc giữ lương tâm mình được tốt, để chính đức tin không bị chìm đắm. Con tàu đức tin chúng ta đang trên đường về cập bến thiên đàng, và đời này còn nhiều lúc dậy sóng, cho nên hãy giữ đừng để lỗ thủng của lương tâm yếu kém sẽ dìm đắm con tàu của chúng ta.
Chúng ta có thể tập cho lương tâm mình thêm mạnh.
Như lời Chúa nói, chúng ta đều đến với Chúa với tư cách là tội nhân, để được tẩy sạch mà trở nên người công bình. Bắt đầu và sống tiếp cuộc sống đức tin mới này chúng ta cũng phải cần có ân điển Chúa giống hệt như vậy.
Ngay cả trong cách luyện tập để thêm sức mạnh cho lương tâm mình, Lời Chúa cũng bày tỏ cho chúng ta thấy điều mình cần phải làm. Xin phép được tóm tắt qua những bước sau:
- Trước tiên phải được tẩy sạch – nhờ sự ăn năn và tập thái độ sẵn lòng ăn năn
Hê-bơ-rơ 9:14 huống chi huyết của Đức Kitô, là Ðấng nhờ Chúa Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì tích cho Chúa, thì sẽ làm sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, đặng hầu việc Ðức Chúa Trời hằng sống, là dường nào!
- Hãy nhận Bí tích Rửa tội bằng nước – để bắt đầu cuộc sống mới với nhận thức bằng lương tâm tốt trước Chúa
1 Pr 3,21 Bí tích Rửa tội bây giờ bèn là ảnh tượng của sự ấy để cứu anh em, phép ấy chẳng phải sự làm sạch ô uế của thân thể, nhưng một sự liên lạc lương tâm tốt với Chúa, bởi sự sống lại của Chúa Giêsu.
- Sau đó phải được rèn tập nhờ lời Chúa mà biết phân biệt phải trái
Do Thái 5,13-14 Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình; vì còn là thơ ấu. Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ.
- Phải lánh điều dữ, theo đuổi điều lành
1 Pr 3,11-12 Phải lánh điều dữ, làm điều lành, Tìm sự hòa bình mà đuổi theo, Vì mắt Chúa đoái trông người công bình, Tai Ngài lóng nghe lời cầu nguyện người, Nhưng mặt Chúa sấp lại nghịch với kẻ làm ác.
Thậm chí điều gì tựa như điều ác cũng phải tránh đi
1 Tx 5,19-22 Chớ dập tắt Thánh Linh; chớ khinh dể các lời tiên tri; hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy. Bất cứ việc gì tựa như điều ác, thì phải tránh đi.
- Và phải hết lòng đến gần Chúa. Khi đến gần Đấng Thánh, chúng ta sẽ được càng nên thánh...
Do Thái 10,19 Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Chúa Giêsu được dạn dĩ vào nơi rất thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài, lại vì chúng ta có một thầy tế lễ lớn đã lập lên cai trị nhà Chúa, nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa.
Hãy tập sống theo lương tâm mình, để ăn ở trọn lành mà được phước mãi thêm lên, và cách sống đó sẽ khiến cho người ngoại không thể nói xấu được chúng ta mà phải xấu hổ, bị bắt phục bởi cách ăn ở của con cái Chúa.
1 Pr 3,16 phải có lương tâm tốt, hầu cho những kẻ gièm chê cách ăn ở lành của anh em trong Đức Kitô biết mình xấu hổ trong sự mà anh em đã bị nói hành;
Pl 2,15 hầu cho anh em ở giữa dòng dõi hung ác ngang nghịch, được nên con cái của Chúa, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét