Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Thông Cáo Ngày Thứ 6 Khóa Mục Vụ Truyền Thông Tại TTMV Hà Thạch

THÔNG CÁO BÁO CHÍ
NGÀY THỨ 6 KHÓA MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG TẠI TTMV GIÁO PHẬN HƯNG HÓA

Như 5 ngày trước, sau thánh lễ, nguyện ngắm và ăn sáng, vào lúc 07g15, các học viên sẽ bước vào ngày thứ 6 của khóa học tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Hưng Hóa (TTMV).
Theo thời khóa biểu, chương trình làm việc buổi sáng, sau bài hát khởi động cầu nguyện ngày mới, các học viên sẽ học về họp Linh đạo, họp Linh đạo nhóm và Nguyệt ký, sau đó viếng Thánh Thể, ăn trưa và nghỉ trưa.
Buổi chiều, cha Trưởng ban Truyền thông sẽ thông qua phương hướng hoạt động năm 2014, các học viên đóng góp ý kiến, sau đó, ban giảng huấn giải đáp các thắc mắc rồi các học viên tập nghi thức tuyên hứa. Sau giờ kinh chiều, cơm tối rồi thư giãn ít phút, các học viên sẽ được tĩnh tâm và xưng tội để lãnh nhận dồi dào ơn Chúa cho sứ vụ mới mà họ sắp lãnh nhận trong Thánh lễ tạ ơn do Đức Giám mục Phụ tá Giáo phận chủ sự vào lúc 08g00  sáng Thứ 7 ngày 09/11/2013.



Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Tin mềm

Ngày Khai Mạc Khóa học Mục Vụ Truyền Thông (Tin mềm)

“Với những kiến thức cơ bản về mục vụ truyền thông, PR (quan hệ công chúng), đưa tin và mạng xã hội, các học viên sẽ được huấn luyện để trở thành thành viên mục vụ truyền thông của Giáo phận, có khả năng nên thánh và rao giảng Tin mừng bằng các phương tiện truyền thông hữu hiệu”.

NGÀY KHAI GIẢNG KHÓA HỌC MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG
NĂM 2013 TẠI GIÁO PHẬN HƯNG HÓA

Đó là mục tiêu và định hướng của linh mục Tổng Thư Ký Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam (TTK) đặt ra cho khóa học. Với thao thức và lòng hăng say dấn thân vì Giáo hội, cách riêng cho Giáo phận nhà, 45 người con trong 10 tỉnh của Giáo phận, bất chấp mọi ngăn trở của đường xá xa xôi, thời tiết xe lạnh của mùa đông đã quy tụ về Trung Tâm Mục Vụ Hà Thạch (TTMV) để tham dự khóa học. Khóa được khai giảng vào ngày 04/11 trong bầu khí háo hức của mọi người.

Sự hiện diện của linh mục Trưởng ban Truyên Thông – cũng là Trưởng ban Tổ chức (TB), 7 linh mục, 1 phó tế, 27 chủng sinh, 2 nữ tu và 8 giáo dân cùng với Ban Giảng Huấn gồm một linh mục, một chuyên viên đồ họa nhiếp ảnh và một chuyên viên công nghệ thông tin.

Ngay từ chiều hôm trước đến sáng sớm ngày khai mạc, các học viên đã lần lượt đến TTMV để nhận phòng. Vào lúc 9g00, mọi người đã có mặt tại phòng học tham dự nghi thức khai mạc do cha TB chủ sự. Sau phần giới thiệu Ban Giảng Huấn và các học viên, linh mục TTK trình bày nội dung và phương pháp của khóa học. Cha nói: “Với những kiến thức cơ bản về mục vụ truyền thông, PR (quan hệ công chúng), đưa tin và mạng xã hội, các học viên sẽ được huấn luyện để trở thành thành viên mục vụ truyền thông của Giáo phận, có khả năng nên thánh và rao giảng Tin mừng bằng các phương tiện truyền thông hữu hiệu”. Sau khi hát múa những bài ca chủ lực diễn tả linh đạo, phong cách và nhiệm vụ truyền thông, các học viên đã chia nhóm gặp gỡ rồi viếng Chúa, ăn trưa và nghỉ trưa.

Vào lúc 14g00, các học viên trở lại phòng học xây dựng những mảnh đất riêng mình trên mạng xã hội, học mục vụ truyền thông và mục vụ PR.

Sau bữa ăn tối, các học viên kết thúc ngày khai giảng với một thánh lễ thật sốt sáng rồi… đi vào giấc ngủ an bình.

Được biết, khóa học Mục vụ Truyền Thông này sẽ bế mạc vào sáng thứ Bảy 9/11/2013 với Thánh lễ và lời tuyên hứa do Đức Giám mục Phụ tá chủ sự.

TỪ BỎ ĐỂ CÓ LẠI

TỪ BỎ ĐỂ CÓ LẠI

Thứ Năm Tuần XXXI Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: 
 Lc 15,1-10

1 Khi ấy, tất cả các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này :
"Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói : 'Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.' 7Vậy, tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
"Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được ? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói : 'Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.' 10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay : giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối."
SUY NIỆM
Cuộc sống là một xâu chuỗi của những chọn lựa. Có những chọn lựa đúng và có những chọn lựa sai: đúng thì hạnh phúc, sai thì bất hạnh.
Theo Chúa cũng là một chọn lựa. Đây là chọn lựa căn bản của người Kitô hữu.
“Có rất đông người cùng đi đường với Chúa Giêsu” , nhưng không phải ai trong số đó cũng có cùng một thao thức, một cái nhìn, một mục đích như Ngài. Có người đi theo Chúa để thoả tính hiếu kỳ trước các phép lạ Ngài làm; có người mong được một lợi lộc nào đó, được khỏi bệnh, được ăn no…; có người mơ tưởng đến một địa vị một chức quyền cao trọng trong vương quốc mà họ tưởng tượng. Họ cùng đi đường với Chúa Giêsu nhưng chưa hẳn đã là môn đệ của Ngài; Họ nhập đoàn với Chúa Giêsu, nhưng lại không có cái Tâm như Ngài. Chúa Giêsu cho biết chỉ những ai dám từ bỏ mọi sự để đi theo Ngài mới có thể là môn đệ Ngài được: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con… không từ bỏ hết những gì mình có… thì không thể làm môn đệ tôi được.”
SUY NGHĨ
Có thể bạn đã từ bỏ rất nhiều điều, có khi là những điều rất lớn lao, để đi theo Chúa Kitô. Thế nhưng nếu như bạn vẫn còn giữ lại một chút tự ái, một chút ham muốn hưởng thụ ích kỷ… thì thực ra bạn chưa từ bỏ gì cả, và chưa thể làm môn đệ Chúa Kitô được. Bạn có thể từ bỏ được rất nhiều thứ, những chưa từ bỏ được chính mình. Bạn có thể đi rất nhiều nơi mà chưa ra khỏi chính cái "tôi". 
MỜI BẠN
Mời bạn bắt đầu làm môn đệ của Ngài bằng cách làm những hy sinh nho nhỏ kín đáo, bằng việc từ bỏ những thói quen xấu tuy nhỏ nhặt trong đời sống thường ngày, biết khôn ngoan chọn lựa những điều đẹp lòng Chúa để sống xứng đáng là con của Ngài.
CẦU NGUYỆN
 Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn trợ giúp cho con, để con dám hiến dâng Chúa tất cả con người và cuộc sống của con để con luôn là môn đệ trung thành của Chúa cho đến cùng.

Khóa Mục vụ Truyền thông 2013_tin mềm





NGÀY KHAI GIẢNG KHÓA MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG NĂM 2013

"Với những kiến thức cơ bản về mục vụ truyền thông, PR (quan hệ công chúng), đưa tin và mạng xã hội, các học viên sẽ được huấn luyện để trở thành thành viên mục vụ truyền thông của giáo phận, có khả năng nên thánh và rao giảng Tin Mừng bằng những phương tiện truyền thông hữu hiệu", cha Tổng Thư ký chia sẻ. Với tầm quan trọng như vậy, ngày 4 tháng 11 năm 2013, gần 50 "cây viết" trên toàn Giáo phận Hưng Hóa đã quy tụ về Trung tâm Mục vụ Hà Thạch để tham dự khóa học Mục vụ Truyền thông.
Trong ngày khai mạc có sự hiện diện của Linh mục đặc trách truyền thông của Giáo phận - trưởng ban tổ chức. Các học viên bao gồm: 7 linh mục, 1 phó tế, 27 chủng sinh, 2 nữ tu và 8 giáo dân, cùng với Ban Giảng huấn là Linh mục Tổng thư ký Ủy ban Truyền thông Xã hội trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam (TTK), 1 chuyên viên đồ họa nhiếp ảnh và 1 chuyên viên công nghệ thông tin.
Với sự hăng say và lòng nhiệt tình với truyền thông, các học viên đã vượt hàng trăm cây số đến từ chiều hôm trước. Còn những người ở gần cũng kịp có mặt nhận phòng.
Vào lúc 9g, mọi người đã hiện diện tại hội trường để tham dự nghi thức khai mạc do cha trưởng ban chủ sự. Sau phần giới thiệu ban giảng huấn và các học viên, linh mục TTK trình bày nội dung và phương pháp của khóa học. Sau khi hát múa những bài ca chủ lực diễn tả linh đạo, phong cách và nhiệm vụ truyền thông, các học viên đã chia nhóm gặp gỡ rồi viếng Chúa, ăn trưa và nghỉ trưa.
Đúng 14g00, các học viên đã trở lại phòng học bắt đầu tập làm "blogger" nhằm tạo cho mình những "căn nhà riêng"(blog) để học tập trao đổi về mạng xã hội cũng như mục vụ truyền thông và mục vụ PR.
Sau khi dùng cơm tối, các "blogger" đã kết thúc ngày khai mạc bằng thánh lễ sốt sắng  rồi trở về phòng và đi vào giấc an lành.
Được biết, khóa học MVTT này sẽ bế mạc vào sáng thứ Bảy 9.11.2013 với thánh lễ và nghi thức tuyên hứa do Đức Giám mục phụ tá chủ sự.

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Chọn lựa

Từ bỏ

Thứ Tư Tuần XXXI Mùa Thường Niên - Năm lẻ
Lời Chúa: 
 Lc 14, 25-33
25 Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Chúa Giê-su. Người quay lại bảo họ:

26 "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
28 "Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: 30 'Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.' 31Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được."
"Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được." (Lc 14,33)
Suy niệm: 
A- Phân tích (Hạt giống...)
a. Khung cảnh : Khi ấy "Có rất nhiều người đi đường với Chúa Giêsu" : họ đang cùng với Chúa Giêsu "tiến lên Giêrusalem". Nhưng có lẽ họ cho rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu trần gian. Để xóa tan hiểu lầm này, Chúa Giêsu nói những lời tiếp theo.
b. Đại ý Chúa Giêsu nói : Ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu ("đi theo" Ngài) thì phải yêu mến Ngài hơn (diễn tả theo kiểu đặc biệt sêmít là "ghét") tất cả những gì mình tha thiết nhất, chẳng hạn cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình nữa.
c. Sau đó Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn : Một người xây tháp trước khi xây phải tính toán kỹ để chọn lựa quyết định có nên xây hay không. Một ông vua trước khi đi giao chiến cũng phải tính toán kỹ để chọn lựa có nên giao chiến hay không. Cũng thế, nếu biết theo Chúa Giêsu phải chấp nhận từ bỏ tất cả, thì trước khi theo phải tính toán cho kỹ.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Con đường theo Chúa
Thánh Luca mở đầu bài tường thuật này như sau :"Có rất đông người đi theo Chúa Giêsu. Ngài quay lại bảo họ". Trong ngôn ngữ Thánh kinh, "đi theo" có nghĩa là làm môn đệ. Chúa Giêsu là ông thầy đi trước, các môn đệ đi theo phía sau. Thông thường ông thầy chỉ cần đi trước cho các môn đệ đi theo. Nhưng trong chuyện này Chúa Giêsu đã "quay lại bảo họ", nghĩa là Ngài có điều quan trọng muốn dặn dò kỹ các môn đệ.
Điều quan trọng mà Chúa Giêsu muốn dặn dò kỹ các môn đệ là gì ? Đọc tiếp đoạn Tin mừng chúng ta thấy Chúa dặn dò 2 điều : một điều tiêu cực là phải từ bỏ, một điều tích cực là phải vác thập giá. Chúng ta hãy suy nghĩ về từng điều :
1.1. Điều thứ nhất là từ bỏ
a/ Tại sao làm môn đệ Chúa thì phải từ bỏ ? Vì đi theo Chúa giống như đi leo núi. Nếu mang nhiều thứ cồng kềnh thì sẽ bận vướng nặng nề khiến không leo nhanh được, thậm chí còn có thể bỏ cuộc.
b/ Vậy phải từ bỏ những gì ? Chúa Giêsu kể : phải bỏ "cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình". Qua cách nói "Cha mẹ, vợ con, anh chị em", ý Chúa muốn nói tới gia đình ; còn qua chữ "mạng sống", ý Chúa muốn nói tới những gì thân thiết nhất của mình. Nhưng ta hãy hiểu cho đúng ; Chúa không bảo người môn đệ phải bỏ những thứ vừa kể một cách tiên thiên, mà là bỏ nếu như chúng làm bận vướng cho việc đi theo Chúa. Gia đình là tốt, mạng sống là cần. Gắn bó với gia đình và tha thiết với mạng sống không có gì là xấu cả. Tuy nhiên bất cứ khi nào mình cảm thấy 2 thứ đó trở thành bận vướng, hay bất cứ khi nào Chúa soi sáng cho ta thấy như vậy, thì người môn đệ phải can đảm từ bỏ.
1.2. Điều quan trọng thứ hai mà Chúa Giêsu căn dặn chúng ta là vác Thập giá
a/ Tại sao muốn đi theo Chúa thì nhất thiết phải với thập giá ? Vì, như đã vừa nói ở phía trên, nếu đi theo Chúa giống như đi leo núi, thì thập giá giống như cây gậy của người leo núi. Nó rất cần và rất có ích. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì ta sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi, có khi té ngã hay bỏ cuộc.
b/ Điều thứ hai này có liên quan tới điều thứ nhất : chúng ta từ bỏ những thứ bận vướng là để mình có thể thong dong mà vác thập giá.
Chúng ta thường quên mất 2 việc rất quan trọng để thực sự xứng đáng làm môn đệ Chúa :
a) Xưa nay chúng ta quen tìm kiếm để được thêm chứ ít khi nào chủ động từ bỏ. Thỉnh thoảng có từ bỏ chỉ là vì miễn cưỡng, vì rán chịu vậy mà thôi. Thí dụ khi chúng ta bị mất tiền, mất đồ đạc, khi một người thân chết.
b) Cũng thế xưa nay chúng ta không chủ động vác thánh giá. Thập giá nào Chúa gởi thì chúng ta rán mà vác vậy thôi. Nguyên việc khám phá thứ nhất này cũng cho thấy chúng ta chưa thực sự xứng đáng làm môn đệ Chúa Giêsu. Người môn đệ thật của Chúa phải chủ động từ bỏ và chủ động vác thập giá.
2. Đòi hỏi của tình yêu
Giới Tử Thôi người nước Tần, đời Xuân Thu Chiến Quốc, là bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ.
Khi công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, lương thực đã cạn kiệt, công tử lại không thể ăn những loại rau hoang cỏ dại trong rừng. Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi của mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn.
Về sau Trùng Nhĩ khôi phục lại nghiệp cả, làm vua nước Tần, Giới Tử Thôi xin về làng ở ẩn, chứ không hề kể công lênh ngày xưa.
Trùng Nhĩ dù sau này có làm vua thì cũng là người trần mắt thịt, mà Giới Từ Thôi còn dám bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chịu khổ cực để theo hầu, hơn nữa còn hy sinh chính thân mình để tỏ lòng trung thành với chủ nhân. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta có mặt trên cõi đời này, lẽ nào chúng ta lại không dám bỏ người thân, của cải, và ngay cả chính mình để bước theo Người ?
Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng : "Ai đến với tôi mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14,26). Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu động từ "dứt bỏ" không có nghĩa là cắt đứt, là từ bỏ, mà là "ít hơn". Vì tiếng Hy Bá không có thể văn so sánh hơn kém, nên khi cần diễn tả hơn kém người ta dùng lối văn đối ngẫu "yêu và bỏ". Thánh Matthêu hiểu như vậy nên đã viết : "Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy" (Mi 10,37).
Vậy ý của Chúa Giêsu là nếu ai muốn làm môn đệ Người thì phải đặt tình yêu Chúa lên trên mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu : Tình yêu gia đình, bạn bè và ngay cả chính mình.
Như thế, người tín hữu khi đã chọn theo Chúa, làm môn đệ của Người, họ vẫn phải yêu mến người thân, gia đình, bạn bè ; họ vẫn phải yêu mến chính bản thân mình ; họ cũng phải quí mến của cải như là những ơn lành Chúa ban. Nhưng khi cần thì tất cả những tình cảm đó phải hy sinh cho tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là bậc thang giá trị mà người môn đệ nào khi theo Chúa cũng phải đặt lại cho mình.
Nhưng có một cám dỗ rất nguy hiểm này, là Thiên Chúa thì linh thiêng xa vời, mà con người và của cải thì sờ sờ trước mắt, lại hấp dẫn cuốn hút lạ thường, nên người ta dễ đặt lại giá trị ưu tiên lúc nào mà chính mình cũng chẳng hay biết. Vì thế, Chúa mới cảnh giác qua hai dụ ngôn "Xây tháp" và "Cuộc giao chiến". Tháp đã khởi công xây dựng, cuộc chiến đã bắt đầu, thì không thể ngồi xuống mà bàn tính. Phải dồn vốn để xây tháp, phải dồn sức mà tấn công. Nhiều người đã khởi công nhưng chẳng thành công, nhiều kẻ đã chiến đấu nhưng không chiến thắng.
Chúa muốn những kẻ theo Người phải trung thành trong tình yêu, và dám sống chết với ơn gọi của mình. Người không chấp nhận "cầm cày mà còn quay lại sau lưng". Thật vậy, những kẻ"đứng núi này trông núi nọ" thường là những người bỏ cuộc, và những kẻ "bắt cá hai tay" là những người thua thiệt nhiều nhất. Đúng như Pierre Charles đã nói về họ : "Có nhiều kẻ không leo đến đỉnh núi mà lại ngồi an hưởng ở lưng chừng với những tiện nghi tầm thường nhỏ nhoi".
Lạy Chúa, chúng con đã chọn Chúa là cùng đích cuộc đời, nhưng biết bao lần chúng con chỉ thấy chọn Chúa là thua thiệt, là hy sinh, là mất mát.
Xin đừng bao giờ để chúng con nản chí, bỏ cuộc, rút lui vì những đòi hôi gắt gao của tình yêu, nhưng xin cho những thử thách ấy trở nên những cơ hội giúp chúng con lớn lên trong tình yêu Chúa nhiều hơn. Amen. (TP)
3. Lời nói thẳng thắn
Dòng Thừa Sai Bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta đã rất nổi tiếng, nên có rất nhiều thiếu nữ xin gia nhập. Nhưng Mẹ Têrêsa rất thẳng thắn, Mẹ nói với họ : "Công việc người nữ tu dòng này rất cực khổ : chúng tôi phải phục vụ cho những người nghèo và những người vô gia cư. Chúng tôi phải làm việc suốt 24 giờ mỗi ngày". Mẹ Têrêsa thẳng thắn như thế để các thiếu nữ ý thức và cân nhắc cẩn thận trước khi gia nhập dòng.
Gia nhập "dòng" của Chúa Giêsu để làm môn đệ Ngài còn cực khổ hơn nhiều. Vì thế Chúa Giêsu cũng rất thẳng thắn nói rõ cho những kẻ đi theo Ngài : Ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải sẵn sàng từ bỏ tất cả và còn phải vác thập giá mà theo.
Làm môn đệ Chúa không phải là bám theo một nhân vật quyền thế để có ô dù che chở hay để chia xẻ vinh dự, mà là để sống theo gương Ngài : hy sinh tất cả vì yêu thương mọi người.
Bởi đó người muốn làm môn đệ Chúa cần phải suy nghĩ kỹ xem mình có thể đáp ứng được những đòi hỏi khó khăn ấy không. Như người xây tháp phải suy nghĩ kỹ về khả năng tài chính của mình, như một ông vua trước khi xuất chinh phải suy nghĩ kỹ về sức mạnh quân sự của mình.
Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ về khả năng đáp ứng của mình trước hai đòi hỏi trên của Chúa Giêsu, chắc là chúng ta nản lòng không dám làm môn đệ của Ngài nữa.
Tuy nhiên gương các tông đồ là một khích lệ cho chúng ta : ban đầu các ông theo Chúa Giêsu mà không suy nghĩ gì nhiều ; nhiều lúc các ông còn nghĩ rằng theo Chúa Giêsu thì sẽ được chia quyền chia thế trong nước mà Ngài sẽ thành lập. Nhưng Chúa Giêsu từ từ thanh luyện suy nghĩ của các ông. Sau ngày Chúa phục sinh, các ông mới hiểu rõ thế nào là làm môn đệ Chúa ; và nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần các ông đã can đảm từ bỏ tất cả và vác thập giá của mình đi theo Chúa một cách hăng hái và vui vẻ.
Hiện giờ chúng ta chưa đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi của Chúa về một người môn đệ. Nhưng ít ra ý thức của chúng ta về những đòi hỏi đó cũng giúp chúng ta không đi theo Chúa vì những tính toán sai lệch. Nhìn gương các tông đồ và tin tưởng vào sự trợ giúp của ơn Chúa, chúng ta có thể can đảm từ bỏ và vác thập giá đi theo Ngài.
4. Người-đi-theo và người-môn-đệ
Trong đoạn Tin Mừng này, có những cụm từ rất ý nghĩa, đó là "đi theo" và "làm môn đệ". Thánh Luca đã xử dụng những cụm từ này rất khéo : "Khi ấy có rất đông người đi theo Chúa Giêsu. Ngài quay lại bảo họ : Ai không dứt bỏ… thì không thể làm môn đệ tôi. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi" à Rất đông người "đi theo" Chúa Giêsu nhưng không phải tất cả đều là "môn đệ" Ngài ; chỉ những ai đi theo mà từ bỏ và vác thập giá thì mới là môn đệ.
Người-đi-theo chưa hẳn là người-môn-đệ
Cũng như người-nói "Lạy Chúa lạy Chúa" chưa hẳn là người-làm theo ý Chúa.
Cũng như người-đến-nhà-thờ chưa hẳn là người-tín-hữu.
Cũng như người-mang-danh kitô hữu chưa hẳn là người-kitô-hữu.
Điều khiến người-nói thành người-làm, người-đến-nhà-thờ thành người-tín-hữu, người-đi-theo thành người-môn-đệ, người-mang-danh-kitô-hữu thành người-kitô-hữu-đích-thực, đó là từ bỏvà vác thập giá.
Một trong những khiếm khuyết của Giáo Hội - và là khiếm khuyết lớn nhất - đó là trong Giáo Hội có rất nhiều người-đi-theo Chúa Giêsu, nhưng rất ít người-môn-đệ thực sự của Ngài.
5. Trả giá
Muốn làm việc gì cũng phải trả giá cho việc đó. Việc càng trọng thì giá càng cao. Nhiều người không làm xong việc mình muốn làm là vì không dám trả giá.
Antoinette là một cô gái rất đẹp nhưng rất nghèo. Điều mơ ước duy nhất của cô là trở thành giàu có, và cô nghĩ rằng cách dễ nhất là lấy được một người chồng giàu. Nhưng rủi thay khi cô lấy chồng thì người chồng của cô chỉ là một kẻ thường dân. Thất vọng và chán nản, cô chẳng muốn làm gì nữa, cũng chẳng muốn đi đâu hết.
Một hôm, Antoinette nhận được thiệp mời đến dự một bữa tiệc gồm toàn những người quý phái. Cô mừng lắm. Nhưng cô không có y phục và nữ trang sang trọng. Tuy nhiên cô biết cách thu xếp : cô rút hết tiền tiết kiệm ra mua được một bộ áo đẹp ; cô đến với Marie một bạn học cũ mượn được một chiếc vòng nạm kim cương.
Thế là Antoinette xuất hiện trong bữa tiệc với một dáng vẻ rất xinh đẹp và sang trọng. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về cô. Cô rất sung sướng. Tuy nhiên khi tiệc tàn, trở về nhà, cô hoảng hốt khi biết chiếc vòng nạm kim cương đã rơi mất. Tìm tới tìm lui nhiều lần mà vẫn không thấy.
Chẳng còn cách nào khác, cô đành phải đi vay 40 ngàn quan với lãi xuất cao để ra tiệm kim hoàng mua một chiếc vòng y như thế trả lại cho Mary. Vì hai chiếc vòng rất giống nhau nên Marie không thắc mắc gì cả.
Từ đó trở đi, Antoinette phải làm đủ mọi việc để kiếm tiền trả nợ. Sau 10 năm, cô trả xong nợ. Nhưng khi đó trông cô rất già và không còn xinh đẹp như ngày xưa nữa.
Một hôm Antoinette và Marie tình cờ gặp nhau :
- Ồ sao trông bạn già đi và tiều tụy như thế ? Marie giật mình hỏi.
- Tất cả chỉ tại bạn đó.
- Sao lại tại tôi ?
Antoinette kể rõ đầu đuôi sự việc. Nghe xong Marie nói :
- Trời ơi tội nghiệp cho bạn quá. Chiếc vòng nạm kim cương của tôi là đồ giả. Giá chỉ có 400 quan thôi.
Thế là đột ngột Antoinette được Marie trả lại 39.600 quan. Cô đã trở thành người giàu có. Nhưng với cái giá là 10 năm làm quần quật đủ mọi thứ việc cùng với một thân xác tiều tuỵ và một bộ mặt già nua.
Phải chi Antoinette đã chịu khó làm việc ngay từ đầu thì cái giá đâu đến nỗi cao quá như vậy !
6. Chuyện minh họa
a/ Một hôm, có một người đến hỏi một giáo sư nổi tiếng về một thanh niên : "Anh ta có phải là môn đệ của Thầy không ?" Vị giáo sư đáp : "Quả thật anh ta đang theo học những bài dạy của tôi. Nhưng không bao giờ anh ta là môn đệ của tôi".
b/ Một vị vua đến thăm một thiền viện. Nhà vua hỏi vị thiền sư : "Trong thiền viện này có tất cả bao nhiều người đang theo học". Thiền sư đáp "10 ngàn". Nhà vua rất ngạc nhiên. Nhưng nhà vua càng ngạc nhiên hơn nữa khi thiền sư nói tiếp : "Trong số đó, số môn đệ thật của tôi chỉ có 4 hoặc 5 người".
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đã từ bỏ mọi vinh quang của một vì Thiên Chúa để mặc lấy thân phận con người như chúng con. Chúa đã từ bỏ vinh quang của cõi trời để sống khiêm tốn giữa thế gian tội tình. Chúa từ bỏ mình, để ý Chúa Cha được thực hiện trọn vẹn nơi Chúa. Xin giúp chúng con biết từ bỏ những ràng buộc của bản tính lười biếng, trì trệ, để chu toàn bổn phận hằng ngày theo ý Chúa. Xin cho chúng con biết từ bỏ những quyến luyến tội lỗi để chúng con sống thanh sạch trong tư tưởng, lời nói, việc làm của mình.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, để từ bỏ con phải biết chọn lựa. Chọn lựa Chúa hơn là chọn lựa những của cải của trần gian. Chọn sống trung thành với Chúa hơn là chạy theo danh vọng trần gian. Chọn sống cao thượng hơn là sống hèn hạ đánh mất tính người. Xin giúp chúng con đủ khôn ngoan để chọn lựa theo thánh ý Chúa. Xin ban cho chúng con ơn can đảm để chúng con dám sống điều chúng con đã chọn lựa.
Lạy Chúa, chúng con là những người muốn theo Chúa trong tư cách là người môn đệ tín trung. Xin cho chúng con biết từ bỏ mọi sự để phó thác cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)